Diễn viên tuồng làm thêm DJ để sống với nghề
Thanh Phương, 25 tuổi, diễn DJ nhằm có thêm thu nhập ''nuôi'' nghề chính, khẳng định không từ bỏ tuồng.
Thanh Phương là diễn viên thuộc Đoàn nghệ thuật thử nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Hồi tháng 1, cô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là một trong số gương mặt tiêu biểu của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2023.
Thường ngày, cô dành phần lớn thời gian tập luyện, biểu diễn ở đơn vị. Từ năm ngoái, diễn viên nhận show DJ để trang trải cuộc sống. Cô học nghề từ khoảng cuối năm 2021 nhưng bị gián đoạn một năm, qua Covid-19 mới tiếp tục. Mỗi ngày, hết giờ hành chính, cô đi xe máy hơn 10 km đến lớp học chơi nhạc, đều đặn trong vài tháng. Khoảng hai tháng sau khi học xong, cô có show diễn đầu tiên.
Diện mạo của Thanh Phương khi làm DJ. Ảnh:
Nhân vật cung cấp
Ban đầu, quyết định của Thanh Phương chưa nhận được sự ủng hộ của thầy cô, đồng nghiệp ở nhà hát, cho rằng làm DJ tác động tiêu cực đến hình ảnh truyền thống của một nghệ sĩ tuồng. Ý thức bản thân đại diện cho thế hệ trẻ của Nhà hát tuồng Việt Nam, diễn viên đề cao việc giữ hình ảnh tích cực, lối sống tốt. Cô đặt nguyên tắc không diễn show quá 23h, mặc đồ năng động, tránh hở bạo. Dần dần, cô được mọi người tin tưởng.
Hàng tháng, Thanh Phương nhận bốn hoặc năm show DJ, nhưng có thời điểm không có buổi nào do bận lịch làm việc tại đơn vị. Trung bình mỗi đêm diễn, Thanh Phương nhận khoảng ba triệu đồng cát-xê trở lên tùy khu vực.
Thanh Phương vui bởi từ lúc làm thêm
DJ, cô được nhiều người biết đến. ''Các bạn trẻ vốn nghĩ rằng tuồng truyền thống, khó tiếp cận. Tôi mong họ được truyền cảm hứng khi nhìn thấy năng lượng trẻ trung, hiện đại ở tôi'', cô cho hay.
Diễn viên nhắc nhiều về mẹ, người định hướng và cho cô ăn học đầy đủ. ''Mẹ một mình nuôi anh em tôi trưởng thành, bươn chải đủ nghề để cho tôi đi học, không phải lo cơm áo gạo tiền'', diễn viên cho biết. Sau tốt nghiệp, có khoản lương hai triệu đồng, Thanh Phương gửi toàn bộ cho mẹ. Tháng 8/2020, cô vào biên chế đơn vị. Nhận lương ba triệu đồng, diễn viên cũng dành biếu mẹ, còn bản thân sinh hoạt dựa vào các công việc bên ngoài. Cô nhận đánh trống, diễn vai lính tráng, múa lân, làm mẫu ảnh, quay MV, quảng cáo. ''Tôi chấp nhận làm mọi việc, kể cả cát-xê chỉ 200.000 đồng, miễn là chân chính'', Thanh Phương nói.
Video Player is loading.
Dừng
Hiện tại 0:07
/
Thời lượng 2:56
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Bỏ tắt tiếng
Toàn màn hình
Quảng cáo có thể hiển thị sau
3 giây
Thanh Phương diễn DJ tại một sự kiện. Video:
Nhân vật cung cấp
Dù còn nhiều khó khăn, Thanh Phương kiên định với bộ môn tuồng vì muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh, từ nhỏ, diễn viên đã theo mẹ đến xem các đội tuồng, chèo không chuyên của làng. Năm Thanh Phương học lớp chín, Nhà hát Tuồng Việt Nam về các địa phương tuyển diễn viên và nhạc công, cô được mẹ gợi ý đi thi. Thanh Phương đến nhà một người bác trong đội tuồng ở làng để học cách
nói lối vài câu trong đoạn xưng danh của nữ tướng Đào Tam Xuân. Hoàn thành buổi thi, cô trúng tuyển, trở thành thế hệ đầu tiên mà nhà hát tuyển sinh, đào tạo và nhận ''đầu ra''.
Ngày lên Hà Nội học tập, Thanh Phương chưa tròn 15 tuổi. Theo học môn nghệ thuật
sân khấu mang tính cổ điển, có ngôn ngữ văn chương bác học, vài lần, cô đã nhen nhóm suy nghĩ chuyển nghề. Ở độ tuổi còn non nớt, chưa có nhiều trải nghiệm, cô gặp khó khăn trong việc đào sâu nội tâm các nhân vật. Diễn viên thêm chông chênh khi chứng kiến cô chú, anh chị đi trước không có thu nhập ổn định, phải ở nhà tập thể mà đơn vị hỗ trợ. Nhưng tình cảm của thầy cô giáo, lãnh đạo nhà hát đã níu chân Thanh Phương, duy trì động lực cho cô. ''Tôi được lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉ có nhiệm vụ tập trung học hành, luyện tập'', diễn viên nói. Qua thời gian, tình yêu tuồng trong cô dần được bồi đắp.
Thanh Phương hóa thân nữ tướng Đào Tam Xuân. Ảnh:
Nhân vật cung cấp
Là một trong số ít người trẻ theo nghệ thuật tuồng, Thanh Phương trở thành ''của hiếm''
của gia đình, làng xóm. Diễn viên nhớ thời điểm mới ra trường, được giao vai Mai Hương trong vở tuồng cổ
Triệu Đình Long cứu chúa, lần đầu biểu diễn tại rạp Hồng Hà, người dân ở làng cô đã thuê một xe ôtô đến xem. Nhận đầy ắp hoa, quà từ bà con, cô xúc động, tự nhủ phải phấn đấu hơn.
10 năm học tập và làm nghề
, Thanh Phương say mê hình tượng nữ tướng Đào Tam Xuân. Năm 2020, cô được giao thể hiện nhân vật này, dự thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc
. Cô nỗ lực chuẩn bị song chỉ nhận huy chương bạc. Thanh Phương nói đây là nỗi tiếc nuối lớn.
Thanh Phương trong trích đoạn ''Đào Tam Xuân Đề Cờ''. Video:
YouTube Nhà hát Tuồng Việt Nam
Biết diễn viên buồn, các thầy cô, nghệ sĩ ở nhà hát cùng an ủi, động viên. Nhờ vậy, cô sớm vực lại tinh thần, tiếp tục gặt hái loạt giải thưởng, như huy chương bạc với vai diễn công chúa Phất Kim trong vở tuồng
Làm vua ở Hội diễn toàn quốc năm 2021, huy chương vàng Cuộc thi chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023, vai Hồ Nguyệt Cô của tác phẩm
Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Ông Hoàng Văn Long - quyền giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - nhận định nghệ thuật truyền thống nói chung và bộ môn tuồng nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, các chính sách không đáp ứng cuộc sống ổn định cho diễn viên. Ông đánh giá Thanh Phương có đam mê, nỗ lực lớn để theo nghề dù gia đình không khá giả, luôn học thêm các lớp kỹ năng giúp nâng cao chuyên môn. Với công việc DJ của Thanh Phương, ông Long nói hoàn toàn ủng hộ, song luôn căn dặn cô phải nghiêm túc giữ gìn hình ảnh, không làm điều gì trái pháp luật.
Hiện Thanh Phương học thêm năm thứ nhất Đại học Sân khấu Điện ảnh, chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng. Mỗi ngày, diễn viên phải phân bổ thời gian cho công việc ở nhà hát, đi học và làm thêm. Cô ấp ủ nhiều hoài bão, khẳng định tiếp tục
trau dồi năng lực, đặt niềm tin vào sự phát triển trở lại của sân khấu tuồng.
Phương Linh;